Internet of Things, hay IoT, kết nối tất cả các thiết bị công nghệ bằng cách sử dụng những chip nhúng để tạo thành một mạng lưới các tiện ích được kết nối giống như một Internet thu nhỏ. 12 Xu hướng ứng dụng IoT này được đánh giá là sẽ thống trị vào năm 2021, với dự báo tổng số thiết bị IoT được lắp đặt dự kiến đạt 21,5 tỷ đơn vị trên toàn thế giới vào năm 2025.
Hiểu IoT như một khái niệm
Bản thân Internet là một mạng toàn cầu gồm các thiết bị được kết nối dựa trên giao thức Internet (TCP/IP). IoT định nghĩa lại các giao thức này để tạo thành một mạng lưới thiết bị gần gũi hơn để có thể dễ dàng thu thập và chia sẻ dữ liệu, ngay cả khi không có tương tác chính thức giữa con người với con người hoặc con người với máy tính. Ví dụ: Khi đồng hồ thông minh luôn tự đọc nhịp tim của bạn và cung cấp phân tích chi tiết về nhịp tim trên điện thoại thông minh để ghi chép lại cho các mục đích chăm sóc sức khỏe về sau, thì đó chính là một hệ thống IoT hoạt động tốt.
Tương tự, các thiết bị thông minh hỗ trợ công nghệ đều ở xung quanh chúng ta, chúng đang tạo ra những ngóc ngách sâu hơn giữa cuộc sống của chúng ta. Với giá thành của các cảm biến liên tục giảm và tính khả dụng dễ dàng cho các nhà sản xuất cùng với những tiến bộ trong các ứng dụng kết nối internet và phân tích dữ liệu, biểu đồ của công nghệ này đã và đang chứng minh sự gia tăng liên tục cả về nhu cầu cũng như sự đổi mới.
Các xu hướng sẽ thúc đẩy IoT vào năm 2021
IoT đã định hình lại ngôi nhà của chúng ta một cách hiệu quả với TV thông minh, đồng hồ, âm nhạc, đèn chiếu sáng, quần áo, rèm cửa và nhiều thứ khác. Với đà tăng trưởng của IoT công nghiệp, hiển nhiên sẽ kéo theo sự phát triển của các thành phố thông minh, điều này sẽ định hình lại cách chúng ta nhìn nhận thế giới xung quanh.
Sau đây, chúng tôi sẽ phân tích các xu hướng phát triển mà chúng tôi nghĩ nó sẽ định hình triển vọng của công nghệ này trong năm 2021.
1. Sự ra đời của 5G
IoT yêu cầu kết nối dễ dàng và liền mạch giữa các thiết bị và sự ra đời của 5G sẽ cho phép nó hoạt động với tốc độ nhanh hơn. Theo các báo cáo toàn cầu, công nghệ này sẽ nhanh hơn 100 lần so với thế hệ tiền nhiệm của nó (4G) với khả năng cho phép các kết nối dữ liệu thông thường với tốc độ lớn hơn ít nhất 10 lần. Tất cả những điều này sẽ tăng cường sự đổi mới và sự gần gũi trong việc triển khai các hệ thống thu thập và phân tích dữ liệu của những người sử dụng hệ thống IoT hàng ngày.
Với tốc độ kết nối Internet trung bình trong khoảng 15-20 Gbps và băng thông lớn sẵn sàng cho việc sử dụng đa dạng các loại thiết bị khác nhau, công nghệ này được thiết kế để loại bỏ tất cả các giới hạn hiện tại về băng thông (ít nhất là cho đến khi nhu cầu sử dụng bắt kịp nó).
2. Tăng tốc IoT công nghiệp (IIoT)
Yêu cầu tự động hóa ở khắp mọi nơi, bao gồm cả các ngành công nghiệp và IoT đang đáp ứng tốt cho tất cả. IoT trong các ngành công nghiệp chủ yếu thu thập, phân tích dữ liệu và quy trình làm việc cho các yêu cầu của các thiết bị và hệ thống khác nhau, đồng thời tự động hóa hoạt động của chúng. Ban đầu, vai trò của công nghệ này chỉ giới hạn trong việc tăng hiệu quả công việc tổng thể trong công nghiệp và quản lý vận hành với việc hợp lý hóa, tự động hóa và bảo trì hệ thống ứng dụng trong các lĩnh vực sản xuất, chủ yếu là trong môi trường nhà máy thông minh .
Trong tương lai, IoT được dự đoán sẽ vượt qua 123 tỷ USD chỉ tính riêng mảng ứng dụng công nghiệp của nó. Công nghệ này được thiết kế để trợ giúp các ngành công nghiệp tối ưu hóa quy trình làm việc, sản xuất thông minh và công nghiệp thông minh, quản lý hiệu suất sử dụng tài sản, kiểm soát công nghiệp, hướng tới mô hình dịch vụ theo nhu cầu và ngay cả đối với các kịch bản liên ngành trong thời gian sắp tới. Nó cũng được thiết lập để cải tiến cách thức cung cấp dịch vụ cho khách hàng và tạo ra các mô hình doanh thu mới hơn. Nó đã tích cực thúc đẩy và hỗ trợ trong các khía cạnh của chuyển đổi số công nghiệp .
3. Bảo mật sẽ là mối bận tâm lớn và ngày càng tăng
Với rất nhiều thiết bị thông minh trong các gia đình, văn phòng và các ngành công nghiệp thu thập hàng loạt dữ liệu người dùng, chúng sẽ càng trở thành mục tiêu của hacker và các đối tượng xấu khác.
IoT đang kết nối mọi thứ, nhưng vấn đề ở đây là tất cả các thiết bị này vẫn chưa sẵn sàng hoặc chưa đủ trưởng thành để giải quyết các chức năng cũng như rủi ro bảo mật do các cuộc tấn công mạng gây ra. Ví dụ: một hacker có thể khai thác lỗ hổng của thiết kế phần mềm đồng hồ thông minh hoặc thông tin kết nối Bluetooth. Lỗ hổng này có thể cung cấp cho họ quyền truy cập vào điện thoại thông minh được kết nối hoặc các thiết bị thông minh, ứng dụng ngân hàng, v.v., khiến tất cả chúng đều trở thành mục tiêu. Những mối quan tâm về rủi ro này càng lớn hơn đối với các ngành công nghiệp và các doanh nghiệp nơi cho phép sử dụng rộng rãi công nghệ này. Điều này chủ yếu là vì các lý do:
- Thiếu các giao thức nhất quán để sản xuất các thiết bị có hỗ trợ IoT như máy ảnh, tủ lạnh, v.v.
- Thiếu kiến thức về các mối đe dọa bảo mật này giữa người dùng (vì đây là một công nghệ tương đối mới)
- Cập nhật và quản lý các thiết bị
- Xâm phạm quyền riêng tư của chủ sở hữu và người dùng IoT, v.v.
Giải quyết các vấn đề bảo mật đáng ngại này bằng việc sử dụng các giao thức bảo vệ, cảm biến tấn công, cũng như các phương pháp liên quan đến bảo mật khác được xếp hạng cao trong danh sách các nhà thiết kế và phát triển IoT.
4. IoT trong chăm sóc sức khỏe
Covid-19 đã thay đổi rất nhiều trong thế giới ngày nay, đặc biệt là cách chúng ta nhìn nhận và đánh giá cao việc chăm sóc sức khỏe. Với sự tiếp xúc của con người trở thành nguồn lây nhiễm và lây lan virus. Các chính phủ, các sở y tế, các ngành công nghiệp cũng như bệnh nhân ngày càng hướng tới công nghệ để giúp họ duy trì kết nối với các điều khoản và sự phát triển về chăm sóc sức khỏe.
IoT cho phép bác sĩ theo dõi bệnh nhân dễ dàng và kê đơn thuốc cho họ mà không mất thời gian chờ đợi và đi lại, dẫn đến hiệu quả tốt hơn và cách tiếp cận công việc dễ dàng. Đây là cách an toàn nhất lúc này để nhận trợ giúp y tế, mà không cần tiếp xúc trong thời kỳ hậu Covid. IoT cũng đang làm cho các dịch vụ y tế có giá cả phải chăng, dễ truy cập và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người. Nó cho phép các trung tâm y tế hoạt động hiệu quả hơn và bệnh nhân được điều trị tốt hơn mà không phải trả thêm bất kỳ chi phí nào. Lợi ích trực tiếp của nó bao gồm:
- Báo cáo thời gian thực và theo dõi tình trạng bệnh nhân cho phép hành động nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp.
- Tự động hóa quy trình chăm sóc bệnh nhân.
- Kết nối bệnh nhân-bác sĩ tốt hơn.
- Phân tích dữ liệu tốt hơn và dễ dàng hơn.
- IoT khiến cho giá cả dịch vụ chăm sóc sức khỏe tương đối hợp lý, vì chi phí đi lại, bảo trì cơ sở hạ tầng và các khoản thuế bổ sung được giảm bớt.
- Theo dõi liên tục các thông số thể chất của bệnh nhân và cảnh báo kịp thời.
- Hỗ trợ y tế từ xa khi cần thiết.
- Dữ liệu IoT cũng có thể được sử dụng cho nghiên cứu y tế.
Các thiết bị được kết nối IoT như đồng hồ thông minh, máy theo dõi nhịp tim và mức oxy, máy đo huyết áp và lượng đường, v.v. đang hỗ trợ cung cấp cho các bác sĩ dữ liệu tình trạng bệnh nhân của họ theo thời gian thực. Với việc các bệnh viện sử dụng nhiều công nghệ này để theo dõi bệnh nhân, nhân viên và thiết bị một cách thường xuyên, xu hướng này càng đạt được những thành quả quan trọng trong năm nay.
5. Thời khắc của Edge Computing là đây
Ngày nay, “Data is King” và do đó nó cần được bảo vệ tốt và sử dụng tốt bởi các công ty vì một tương lai tốt hơn và sự phát triển dựa trên thị trường. Các doanh nghiệp đang hiểu điều này và nghiêng về điện toán biên giữa các mạng IoT, thay vì điện toán đám mây trực tiếp.
Điện toán biên về cơ bản là bao gồm một node trong cấu trúc liên kết của mạng IoT để đảm bảo dữ liệu được lưu trữ lần đầu tiên và được phân tích hoàn toàn cho một yêu cầu kinh doanh trước khi nó được chuyển lên đám mây. Node này thường được đặt gần nguồn hoặc đích của dữ liệu đầu ra hơn để đảm bảo hiệu quả và tiện ích cao hơn.
Khi số lượng thiết bị giữa các mạng bùng nổ, xu hướng này sẽ trở nên nổi bật để đảm bảo khả năng làm việc liền mạch và tốc độ cao của mỗi thiết bị được kết nối IoT.
6. Những đổi mới trong các tiện ích nhà thông minh
Đã có thời gian đèn thông minh và quạt thông minh bị loại bỏ vì được coi là “Vật yêu thích của kẻ lười biếng”.
Chúng hiện là những thứ xa xỉ, được dự đoán sẽ trở thành nhu cầu thiết yếu trong thời gian tới.
Theo báo cáo của thế giới: “Quy mô thị trường nhà thông minh toàn cầu dự kiến đạt 622,59 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ CAGR là 29,3%”. Với những người sẵn sàng chi tiêu cho công nghệ để khởi xướng hiệu quả công việc trong không gian sống của họ, những cải tiến mới hơn trong lĩnh vực công nghệ này sẽ được tung ra thị trường mỗi vài ngày.
TV thông minh, thiết bị thông minh như Alexa và Google Home, ô tô thông minh, cây lau nhà thông minh, lò sưởi thông minh v.v., được thiết lập để thống trị thời kỳ đổi mới nhà ở. Ví dụ: Không sớm thì muộn, tủ lạnh thông minh sẽ đủ thông minh để đo mức sữa đang giảm và đặt hàng loại sữa giống như vậy đến các cửa hàng tạp hóa trong khu vực của bạn thông qua Google Home hoặc Alexa. Mọi thứ sẽ được chăm sóc bởi công nghệ, từ thu thập, phân tích dữ liệu đến giao tiếp và sau đó là thanh toán.
7. Trí tuệ nhân tạo cho trải nghiệm Thông minh hơn
IoT là tất cả về việc tự động hóa các thiết bị để mang lại hiệu quả công việc cao hơn. Trí tuệ nhân tạo là công nghệ giúp các thiết bị này phân tích dữ liệu có sẵn và đưa ra “quyết định thông minh” để tự động hóa. Về cơ bản nó là “sự thông minh của các thiết bị thông minh”.
Vì vậy, nếu chúng ta muốn ngôi nhà, văn phòng và các ngành công nghiệp của mình trở nên thông minh hơn, nó yêu cầu phải bao gồm nhiều Trí tuệ nhân tạo hơn nữa.
Công nghệ này đã cho phép tạo ra và triển khai các robot được hỗ trợ bởi AI và các thiết bị khác trong các cơ sở kinh doanh, gia đình và các ngành công nghiệp trên toàn thế giới; xu hướng được chào đón để trải nghiệm tiếp cận lớn hơn trong nhiều năm tới. Amazon đã sử dụng robot để phân loại hàng tiêu dùng trong mạng lưới phân phối của mình và các nhà hàng ở Dubai cũng vậy. Đây là sự khởi đầu của một cuộc hành trình mới.
8. Xe tự hành cũng sắp ra mắt
Theo các báo cáo công nghệ mới nhất: “California’s Department of Motor Vehicles (DMV) đã trao cho Nuro giấy phép thương mại đầu tiên của tiểu bang đối với xe hơi tự lái. Giấy phép này cho phép công ty vận hành thương mại các phương tiện tự hành của mình trên đường của hai quận gần trụ sở Bay Area của công ty”.
Đây là tương lai của thị trường xe hơi toàn cầu và thời đại của nó trong tương lai. Công nghệ này đòi hỏi sự phát triển và sự triển khai theo một khuôn khổ pháp lý cho phép các thiết bị này hoạt động trên các con đường thông thường một cách tự do. Trên thực tế, HORIBA MIRA thậm chí đã phát triển ASSURED CAV, một cơ sở hoàn chỉnh nhằm mục đích cung cấp một môi trường toàn diện cho các phương tiện tự hành từ ý tưởng đến thử nghiệm trên đường. Xu hướng phát triển công nghệ này chắc chắn sẽ làm thay đổi ngành công nghiệp xe hơi của thế giới và tồn tại rất lâu.
9. Các thành phố thông minh sẽ tiếp tục hưng thịnh
Những thành phố thông minh về cơ bản là không gian đô thị được phát triển để cung cấp các dịch vụ chung của Chính phủ thông qua công nghệ. Họ cũng thu thập và phân tích dữ liệu liên quan đến từng công dân của mình để đảm bảo Chính phủ dễ dàng truy cập dữ liệu đó khi cần thiết. Những ví dụ về các công nghệ và chương trình thành phố thông minh đã được triển khai ở Singapore, Ấn Độ, Dubai, Milton Amsterdam, Barcelona, Madrid, Stockholm, Copenhagen, Trung Quốc và New York.
Trên thực tế, Trung Quốc đang sử dụng các công nghệ AI để theo dõi não bộ của trẻ em đang phát triển và trí não trẻ, đồng thời phân tích mức độ thông minh và suy nghĩ của chúng để đo lường hiệu quả học tập và cung cấp dữ liệu hiệu quả cho các nhà nghiên cứu cho phép phát triển các thuật toán thông minh hơn để phân tích hành vi và sự phát triển của nhân loại. Trên thực tế, họ cũng đang làm việc trên một hệ thống giám sát tội phạm, phân tích dữ liệu hành vi của người dùng và dự đoán ý nghĩ phạm tội trước khi nó thực sự được thực hiện, một hệ thống vừa ấn tượng về chức năng của nó vừa rất khó chịu đối với các cá nhân được giám sát. Dù tốt hay xấu, xu hướng này cũng sẽ được chào đón để chứng kiến sự đổi mới hơn nữa trong thời gian tới.
10. IoT đã kích hoạt “Những trang trại thông minh”
Khi người nông dân ngày càng thông minh hơn với sự hòa nhập và thích ứng với công nghệ, thì các trang trại của họ cũng vậy. Công nghệ đang được sử dụng trong ngành nông nghiệp để theo dõi các điều kiện khí hậu trên cơ sở thời gian thực và phân tích tất cả các yếu tố phát triển trồng trọt khác như sức khỏe của đất, độ ẩm, thủy lợi, sức khỏe cây trồng, v.v. IoT cho phép giám sát hoạt động của các khía cạnh thông qua một thiết bị cầm tay có thể được điều khiển từ bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào, chuyển đổi các dự án sử dụng nhiều nhân lực này sang các môi trường sử dụng công nghệ. Với thiết bị bay không người lái, thậm chí còn được trao quyền để thu thập các giọt nước và tạo thành các đám mây và mưa nhân tạo, đây là cách thực phẩm sẽ được trồng trong thời gian tới.
11. IoT sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên
Như câu nói: “Năng lượng tiết kiệm là năng lượng được tạo ra”, IoT sẽ ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong nhà ở và văn phòng nói chung để không chỉ tăng hiệu quả công việc; mà còn theo dõi sự lãng phí tài nguyên và phát triển các phương tiện để ngăn chặn nó. Ví dụ: Thiết bị điện tử dựa trên ứng dụng sẽ sớm theo dõi chuyển động của con người trong các không gian và tự động hóa việc sử dụng điện và các tài nguyên khác trong đó. Việc giám sát và quản lý này sẽ giúp phát triển các không gian tiết kiệm năng lượng hơn trong thời gian tới.
12. SaaS tích hợp với IoT
Công nghệ đã đi vào mọi khía cạnh của cuộc sống con người, bao gồm cả công việc cá nhân và doanh nghiệp. Các công nghệ như AI và Machine Learning đang làm cho những công nghệ này trở nên thông minh hơn. Tuy nhiên, chúng đi kèm với chi phí phát triển và triển khai, điều này có thể không khả thi đối với hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ để mua và thuê. Software as a Service (SaaS) là một khái niệm dịch vụ dựa trên đám mây cho phép việc sử dụng các công nghệ này như các dịch vụ trong các đám mây lưu trữ dữ liệu mạng IoT, trong đó chúng được trả tiền theo mức sử dụng. Mô hình phù hợp với doanh nghiệp này làm cho chúng có giá cả hợp lý để tiếp cận rộng rãi hơn. Với việc các doanh nghiệp đang tìm cách để hiểu khách hàng của họ tốt hơn và biến các thị trường trở thành hiện thực, đây là nơi mà tương lai của các doanh nghiệp được chào đón để phát triển.
Kết luận
IoT, với tư cách là một xu hướng công nghệ, đã vượt qua các giai đoạn sơ khai của quá trình thích ứng và chấp nhận của người dùng. “Umbrella concept” đang phát triển từng ngày cộng với việc một số doanh nhân trẻ và các công ty khởi nghiệp cũng đi đầu trong việc tìm cách phát triển các tiện ích và môi trường người dùng thông minh hơn. Các xu hướng nêu trên sẽ thay đổi cách vận hành của thế giới, chạm đến hàng tỷ cuộc sống theo cách này hay cách khác. Hãy để mắt đến chúng!
Theo DZone
Bài viết liên quan
- 10 sự kiện CNTT-Truyền thông nổi bật 2024 do CLB nhà báo ICT Việt Nam bình chọn
- Các chuyên gia AI của NVIDIA dự báo gì cho năm 2025
- Trí tuệ Nhân tạo: Hiện trạng và xu hướng việc làm tiềm năng trong năm 2025
- Điện toán đám mây: Những xu hướng mới sẽ rõ nét hơn trong năm 2025
- Lưu trữ doanh nghiệp năm 2025: 6 xu hướng không thể bỏ qua
- Top các xu hướng trung tâm dữ liệu trong năm 2025