AI là tiến bộ công nghệ có tác động mạnh mẽ nhất trong thời đại của chúng ta, biến đổi mọi khía cạnh của nền kinh tế toàn cầu.
Và năm làn sóng tăng trưởng đã đưa AI từ khi hình thành cho đến mọi chặng đường sau đó là: “Vụ nổ Big Bang” của AI, dịch vụ Cloud, Enterprise AI, AI tại biên và phương tiện tự hành (Autonomy).
Giống như các đột phá kỹ thuật khác – chẳng hạn như máy móc công nghiệp, bóng bán dẫn, internet và điện toán di động – AI được hình thành từ trong trường đại học và được thương mại hóa trong các giai đoạn kế tiếp. Đầu tiên, nó có vị trí quan trọng trong các tổ chức lớn, có nguồn lực tốt trước khi lan rộng ra các tổ chức nhỏ hơn, các chuyên gia và người tiêu dùng trong nhiều năm sau đó.
Kể từ khi thuật ngữ “AI” được đặt ra tại Đại học Dartmouth vào năm 1956, những người trong lĩnh vực này đã khám phá nhiều cách tiếp cận để giải quyết những vấn đề hóc búa nhất trên thế giới. Một trong những thứ phổ biến nhất, Deep Learning, khai thác các cấu trúc dữ liệu được gọi là mạng nơ-ron nhân tạo (neural networks) – phản ánh cách các tế bào não của con người hoạt động.
Các nhà khoa học dữ liệu sử dụng Deep Learning (DL) để cấu thành một mạng nơ-ron với các thông số hoạt động tốt nhất cho một vấn đề cụ thể, sau đó cung cấp cho AI lên đến hàng triệu mẫu câu hỏi và câu trả lời. Với mỗi mẫu câu trả lời, AI sẽ điều chỉnh trọng số nơ-ron của nó cho đến khi nó có thể tự trả lời các câu hỏi – ngay cả những câu hỏi mới mà nó chưa từng gặp trước đây.
Tìm hiểu thêm về năm làn sóng của AI hiện đại, xác định xem doanh nghiệp của bạn đang ở trong làn sóng nào và cần chuẩn bị cho những gì tiếp theo.
The Big Bang of AI – Cú hích của AI
Làn sóng đầu tiên của điện toán AI là “vụ nổ Big Bang” của nó, bắt đầu với việc khám phá ra các mạng thần kinh sâu.
Ba yếu tố nền tảng đã thúc đẩy sự bùng nổ này: những đột phá học thuật trong Deep Learning, tính khả dụng rộng rãi của Big Data và ứng dụng mới lạ của các GPU để tăng tốc quá trình phát triển và đào tạo học sâu.
Nơi mà các nhà khoa học máy tính từng xác định mỗi tập lệnh AI, giờ đây các thuật toán có thể viết ra các thuật toán khác, phần mềm có thể viết ra phần mềm và máy tính có thể tự học. Điều này đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên Machine Learning.
Và trong thập kỷ qua, DL đã chuyển từ giai đoạn nghiên cứu sang thương mại hóa, được thúc đẩy bởi bốn làn sóng tăng trưởng tiếp theo.
Cloud – Điện toán đám mây
Các doanh nghiệp đầu tiên sử dụng AI là các công ty công nghệ lớn với sự hiểu biết về khoa học và có đủ tài nguyên máy tính để triển khai mạng nơ-ron, nhằm mang lại lợi ích cho khách hàng của họ. Họ đã làm như vậy bằng cách sử dụng điện toán đám mây – làn sóng điện toán AI thứ hai.
Chẳng hạn, Google đã áp dụng học sâu vào xử lý ngôn ngữ tự nhiên để cho ra Google Translate. Facebook đã áp dụng AI để nhận dạng hàng hóa tiêu dùng từ hình ảnh để giúp người dùng có thể mua sắm từ đó. Thông qua các loại ứng dụng đám mây này, Google, Amazon và Microsoft đã phát hành nhiều ứng dụng trong thế giới thực đầu tiên của AI.
Chẳng bao lâu, các công ty công nghệ lớn này đã tạo ra các nền tảng cơ sở hạ tầng như một dịch vụ (IaaS), giải phóng sức mạnh của các đám mây công cộng cho các doanh nghiệp cũng như các công ty khởi nghiệp và thúc đẩy việc ứng dụng AI hơn nữa.
Giờ đây, các công ty ở mọi quy mô đều dựa vào đám mây để bắt đầu với AI một cách nhanh chóng và hợp lý. Nó cung cấp một cơ hội dễ dàng cho các công ty triển khai AI, cho phép họ tập trung vào phát triển và đào tạo các mô hình, thay vì xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản.
Enterprise AI – AI trong doanh nghiệp
Khi các công cụ được phát triển để khiến cho AI dễ tiếp cận hơn, các doanh nghiệp lớn đang nắm bắt công nghệ để cải thiện chất lượng, an toàn và hiệu quả cho quy trình làm việc của họ – và dẫn đầu làn sóng điện toán AI thứ ba. Các nhà khoa học dữ liệu trong lĩnh vực tài chính, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ môi trường, bán lẻ, giải trí và các ngành khác bắt đầu đào tạo mạng nơ-ron trong trung tâm dữ liệu của riêng họ hoặc đám mây.
Ví dụ, các chatbot sử dụng Conversational AI tăng cường cho các call center, AI giúp phát hiện gian lận, giám sát các hoạt động bất thường trong thị trường trực tuyến. Thị giác máy tính hoạt động như một trợ lý ảo cho các thợ máy, bác sĩ và phi công, cung cấp cho họ thông tin để đưa ra quyết định chính xác hơn.
Mặc dù làn sóng điện toán AI này có các ứng dụng rộng rãi và thu hút được các tiêu điểm mỗi tuần, nhưng nó chỉ mới bắt đầu. Các công ty đang đầu tư mạnh cho các nhà khoa học dữ liệu, những người có thể chuẩn bị dữ liệu để đào tạo các mô hình và các kỹ sư học máy – những người có thể tạo và tự động hóa các quy trình đào tạo và triển khai AI.
The Edge – Điện toán biên
Làn sóng thứ tư thúc đẩy AI từ trên đám mây hoặc trung tâm dữ liệu di chuyển đến biên, đến những nơi như nhà máy, bệnh viện, sân bay, cửa hàng, nhà hàng và hệ thống lưới điện. Sự ra đời của 5G đang tăng cường khả năng triển khai và quản lý các thiết bị điện toán biên ở mọi nơi. Nó tạo ra một cơ hội bùng nổ cho AI để chuyển đổi nơi làm việc và giúp các doanh nghiệp nhận ra giá trị của dữ liệu từ người dùng cuối của họ.
Với việc áp dụng các thiết bị IoT và những tiến bộ trong cơ sở hạ tầng CNTT, sự gia tăng của Big Data cho phép các doanh nghiệp tạo ra và đào tạo các mô hình AI để triển khai ở biên, nơi có sự hiện diện của người dùng cuối.
Làn sóng này đòi hỏi các kỹ sư Học máy và nhà khoa học dữ liệu phải xem xét các hạn chế về mặt thiết kế của suy luận AI tại biên. Các giới hạn đó bao gồm khả năng kết nối, lưu trữ, nguồn pin, sức mạnh tính toán và khả năng truy cập vật lý để bảo trì. Các thiết kế cũng phải phù hợp với nhu cầu của các chủ doanh nghiệp, các đội ngũ IT và các hoạt động bảo mật để đảm bảo tốt hơn sự thành công của việc triển khai.
Edge AI cũng chỉ mới ra đời nhưng đã được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp. Thị giác máy tính giám sát các tầng của nhà máy để tìm các vi phạm an toàn, quét các hình ảnh y tế để tìm sự phát triển bất thường và lái ô tô trên đường cao tốc một cách an toàn. Tiềm năng cho các ứng dụng mới là vô hạn.
Autonomy – Phương tiện tự hành
Làn sóng AI thứ năm sẽ là sự gia tăng của phương tiện, máy móc tự hành – sự phát triển của AI đã đạt đến mức có thể điều hướng các loại máy móc di động mà không cần sự can thiệp của con người. Ô tô, xe tải, tàu thủy, máy bay, drone và các robot khác sẽ hoạt động mà không có sự điều khiển của con người. Để điều này diễn ra, kết nối mạng 5G, sức mạnh của điện toán được tăng tốc và sự đổi mới liên tục trong các khả năng của mạng nơ-ron là cần thiết.
Autonomous AI đang đạt được bước tiến lớn, được thúc đẩy bởi đại dịch, những ràng buộc của chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu liên quan đến tự động hóa để đạt hiệu quả trong các quy trình kinh doanh.
Kết hợp các lĩnh vực kỹ thuật ngoài DL, Autonomous AI yêu cầu các kỹ sư ML cộng tác với các kỹ sư robot. Cùng với nhau, họ làm việc để hoàn thành bốn trụ cột trong quy trình làm việc của một hệ thống robot: thu thập và tạo ra dữ liệu thực tế, tạo mô hình AI, mô phỏng với một phiên bản số (digital twin) và vận hành robot trong thế giới thực.
Đối với robot, khả năng mô phỏng là đặc biệt quan trọng trong việc mô hình hóa và thử nghiệm tất cả các trường hợp lẫn khuất có thể xảy ra để giảm thiểu rủi ro khi triển khai robot trong thế giới thực.
Máy móc tự động cũng phải đối mặt với những thách thức mới xung quanh việc triển khai, quản lý và bảo mật đòi hỏi sự phối hợp giữa các nhóm trong kỹ thuật, vận hành, sản xuất, mạng, bảo mật và tuân thủ quy định.
Bắt đầu với AI
Bắt đầu với vụ nổ Big Bang của AI, ngành công nghiệp đã phát triển nhanh chóng và tạo ra nhiều làn sóng điện toán hơn nữa, bao gồm các dịch vụ đám mây, AI doanh nghiệp, AI tại biên và máy móc tự động. Những tiến bộ này đang mang AI từ phòng thí nghiệm đến phòng khách, cải thiện hoạt động kinh doanh và cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng.
NVIDIA đã dành nhiều thập kỷ để xây dựng các sản phẩm điện toán và phần mềm cần thiết để cho phép hệ sinh thái AI thúc đẩy những làn sóng tăng trưởng này. Ngoài việc phát triển và triển khai AI vào công ty, NVIDIA đã giúp vô số doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp, nhà máy, công ty chăm sóc sức khỏe và xa hơn áp dụng, triển khai và mở rộng các sáng kiến AI của riêng họ.
Cho dù bắt đầu một dự án AI ban đầu, chuyển đổi một nhóm vào tải công việc AI hay xem xét các bản thiết kế và mở rộng hạ tầng CNTT, hãy thiết lập các dự án AI của bạn để thành công.
Theo NVIDIA
Bài viết liên quan
- Nvidia ‘đang chuẩn bị cho thời kỳ AI không dùng GPU’
- NVIDIA World Foundation Model: Chìa khóa để thúc đẩy trí tuệ nhân tạo vật lý – Physical AI
- Có gì mới với NVIDIA tại sự kiện CES 2025?
- Các chuyên gia AI của NVIDIA dự báo gì cho năm 2025
- Sovereign AI là gì?
- Top các xu hướng trung tâm dữ liệu trong năm 2025