3 công nghệ được công bố gồm hệ thống giám sát người lái DMS, tính năng quan sát toàn cảnh 360 độ và cơ chế tự lái cấp độ 2 cho ô tô thông minh.
Trong khuôn khổ sự kiện “AI Day 2021 – Tiếp lửa đổi mới sáng tạo”, công ty Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo VinAI (thuộc Vingroup) đã công bố 3 công nghệ thông minh hỗ trợ xe tự lái gồm:
Hệ thống Giám sát người lái (Driver Monitoring System – DMS)
Dựa trên công nghệ nhận diện khuôn, giải pháp của VinAI sử dụng camera hồng ngoại và hệ thống cảm biến trên xe để nhận biết trạng thái của người lái như buồn ngủ, mệt mỏi và những hành vi nguy hiểm như mất tập trung hay sử dụng điện thoại, nhằm kịp thời đưa ra cảnh báo với các cấp độ khác nhau trong suốt hành trình. Hệ thống này có thể hoạt động tốt cả khi tài xế đeo kính râm.
Mô phỏng hệ thống giám sát người lái.
Theo VinAI, điểm nổi bật của giải pháp nằm ở tính linh hoạt, được thiết kế để tương thích với nhiều nền tảng phần cứng khác nhau, giúp các nhà sản xuất ô tô có thể tích hợp DMS lên nền tảng phần cứng sẵn có mà không cần mất quá nhiều chi phí chuyển đổi.
Theo yêu cầu của Euro NCAP (Euro New Car Assessment Programme – Tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động độc lập với mục đích chính là thử nghiệm và đánh giá mức độ an toàn của xe hơi mới của Châu Âu), bắt đầu từ năm 2023, hệ thống giám sát người lái (DMS) sẽ là tiêu chí bắt buộc để một mẫu xe mới đạt chứng nhận tiêu chuẩn an toàn 5 sao. Điều này đồng nghĩa tiềm năng thương mại hoá của DMS là rất cao.
Tính năng Quan sát toàn cảnh 360 độ (Surround View Monitoring – SVM)
SVM cung cấp các góc quan sát từ trên cao, từ đằng sau xe, hai bên bánh xe và trong không gian 3 chiều để hỗ trợ người lái khi di chuyển qua các đoạn đường đông phương tiện, trên cung đường hẹp và trong bãi đỗ xe. Tính năng này trước đây chỉ xuất hiện trên các dòng xe cao gấp, gần đây phổ biến hơn nhưng giá thành vẫn tương đối đắt đỏ. VinAI muốn đưa nó xuống các dòng xe bình dân hơn.
Sử dụng hệ thống SVM, người lái có thể theo dõi toàn cảnh môi trường bên ngoài và thay đổi chế độ xem bằng bảng điều khiển trên màn hình. Với chế độ 3D, lái xe còn có thể quan sát các điểm mù không thể nhìn thấy được qua gương chiếu hậu, từ đó phát hiện các chướng ngại vật và hạn chế va chạm trên đường hẹp hoặc trong bãi đỗ xe. Ngoài ra, SVM hỗ trợ tốt cho quá trình đỗ xe khi người điều khiển phương tiện có thể quan sát đầy đủ phía trước, sau và 2 bên trái, phải để đưa xe vào vị trí đỗ một cách gọn gàng và chính xác, giúp việc đỗ xe trở nên dễ dàng với cả người mới cầm lái.
VinAI cho biết họ đã tối ưu hoá tính năng này để hình ảnh hiển thị với chất lượng cao nhưng cần ít sức mạnh từ bộ vi xử lý (CPU). SVM của VinAI cũng tương thích với nhiều loại phần cứng khác nhau.
Trong tương lai, mục tiêu của VinAI là nâng cấp tính năng SVM để từng bước tiến đến khả năng đỗ xe tự động thông qua nhận diện các vạch đỗ xe, các đối tượng như người đi bộ, xe máy, vật cản khó quan sát thấp gần mặt đường…
Cơ chế tự lái cho xe (Autopilot L2+)
Để giải quyết bài toán tự động trong lái xe cần 2 yếu tố là mô-đun nhận thức thu thập thông tin về môi trường xung quanh và bộ điều khiển trung tâm giúp ra quyết định về hành vi cho xe. Hai bộ phận này có thể hiểu như tai, mắt và não bộ của phương tiện, cần phải kết hợp chính xác và tối ưu nhất để tạo ra một cỗ máy toàn diện, đảm nhận nhiệm vụ điều khiển xe thay cho con người một cách mượt mà và an toàn.
Với hệ thống nhận thức cho xe, hiện VinAI đã phát triển thành công tính năng nhận diện làn đường và vật thể với độ chuẩn xác cao và tương thích với đặc thù môi trường tại Việt Nam. Thuật toán có khả năng tổng hợp & phân tích dữ liệu từ camera, radar, bản đồ và các cảm biến tác động từ môi trường nhằm tính toán và đưa ra các quyết định điều khiển tối ưu về tốc độ và góc lái cho xe.
VinAi cho biết cơ chế tự lái của họ bước đầu đạt đến Level 2 , tức là người dùng không cần điều khiển vô lăng, chân ga hay phanh mà xe vẫn có thể tự di chuyển trên đường một cách an toàn dựa vào thông tin đến từ hệ thống nhận thức. VinAI cũng đã thực nghiệm thành công các tính năng giữ làn tự động, tự lái trên đường cao tốc hoặc trong thành phố với lưu lượng giao thông thấp và hỗ trợ đỗ xe, đồng thời tập trung vào việc phát triển cơ chế giảm thiểu rủi ro (Minimum Risk Manoeuvre), bước đệm tiến đến tính năng tự lái cấp độ 3.
Tuy nhiên, với tính năng tự lái ở cấp độ hiện tại, người lái vẫn cần phải chú ý quan sát và sẵn sàng nắm quyền điều khiển xe khi gặp tình huống ngoài khả năng xử lý của hệ thống. Vì vậy, sự kết hợp với hệ thống giám sát người lái sẽ tăng độ an toàn cho các tính năng tự lái.
VinAI chưa công bố chính xác thời điểm đưa các công nghệ này vào thương mại hoá, cũng như đã bắt tay với các đối tác nào. Tuy nhiên, có thể các mẫu ô tô điện thông minh của VinFast sẽ được hưởng lợi từ những công nghệ này. VinFast sẽ mở bán ô tô điện VF e34 tại Việt Nam từ tháng 11/2021 và một số thị trường Bắc Mỹ, châu Âu vào đầu năm 2022.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Bài viết liên quan
- Nvidia ‘đang chuẩn bị cho thời kỳ AI không dùng GPU’
- AI trong ngành Logistics: Những lợi ích chính và ứng dụng
- Máy chủ tăng tốc cho AI thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu cho trung tâm dữ liệu
- Tôi có cần CPU kép không?
- Xây dựng hệ thống dữ liệu hiệu suất cao cho AI với VAST Data Platform
- Hướng dẫn lựa chọn GPU phù hợp cho AI, Machine Learning